Thị trường 02/04/2024 - Bức tranh lợi nhuận quý 1 tích cực hơn cũng khó tạo động lực mới cho thị trường Đăng ngày: 02-04-2024 Lượt xem: 175
Thị trường rung lắc ngay từ đầu phiên khi áp lực bán gia tăng từ nhóm bluechip khiến chỉ số VN-index giảm khá mạnh và có thời điểm về dưới mốc 1275 điểm. Dù vậy, những nỗ lực trong phiên chiều đã kéo chỉ số hồi phục và có thời điểm tiệm cận mốc tham chiếu, nhưng kết quả không thành công do áp lực bán thường trực khiến chỉ số đảo chiều suy yếu. Dù vậy, chỉ số kết phiên chỉ giảm nhẹ với thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp hơn trung bình 20 phiên. Điểm sáng trong phiên hôm qua đến từ nhóm bất động sản ngược dòng thị trường. Dòng tiền khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn đang gia tăng tiệm cận đỉnh cũ năm 2022.
Về kỹ thuật, VN-Index kết phiên với nến Doji cho thấy thị trường đang trong trạng thái lưỡng lự ở vùng đỉnh, song thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp chưa có thấy áp lực án lớn diễn ra. Hai chỉ báo RSI và MACD sau khi hình thành phân kì âm đang tiếp tục diễn biến đi ngang và chưa cho diễn biến rõ ràng. Với diễn biến hiện tại, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực rung lắc trong những phiên tới do lực cầu đang thể hiện sự đuối sức và rủi ro xuất hiện những phiên phân phối lớn vẫn cần được chú ý nếu chỉ số xuất hiện những phiên bulltrap mạnh.
Goldman Sachs dự đoán Fed sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, bốn lần cắt giảm trong năm 2025, cộng thêm một lần cắt giảm vào năm 2026, đưa lãi suất dài hạn về mức ổn định 3,25 - 3,5%. Báo cáo của Goldman Sachs cho biết “việc xem xét lại lãi suất trung lập (lãi suất liên ngân hàng) có thể sẽ là cuộc tranh luận lớn tiếp theo của Fed trong thời gian tới. Đây là trọng tâm mà Fed muốn điều chỉnh để theo đuổi chính sách của mình. Hiện Fed đang duy trì lãi suất cơ bản ở mức 5,25 - 5,5% và chốt tỷ lệ lãi suất trung lập ở mức 2,5%. Tỷ lệ trung lập là tỷ lệ phổ biến khi lạm phát và thất nghiệp gần mức tối ưu, do đó Fed không cần phải tăng hoặc giảm lãi suất. Phát biểu với báo giới địa phương vào tuần trước, Chủ tịch Fed tuyên bố các nhà hoạch định chính sách đang chờ thêm số liệu để chắc chắn rằng lạm phát đã được kiểm soát trước khi hạ lãi suất.
Diễn biến lãi suất điều hành của Mỹ. Nguồn: Trading Economics
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHĐ VIII). Xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án/dự án đáp ứng các mục tiêu đã đề ra của Quy hoạch điện VIII, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, đảm bảo điện đi trước một bước. Thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hướng tới các mục tiêu đã cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Việt Nam.
Từ đầu năm tới nay, tổng giá trị TPDN phát hành thành công ước đạt hơn 14.800 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Lãi suất TPDN bình quân gia quyền trong 3 tháng đầu năm 2024 ước khoảng 10,7%/năm, cao hơn so với mức trung bình 8,3%/năm của năm 2023. Áp lực đáo hạn trái phiếu từ nay đến hết năm vẫn rất lớn, nhất là các doanh nghiệp BĐS. Chính sách cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi trái phiếu lấy BĐS hoặc sản phẩm khác, tiếp tục được nối dài sang năm 2024, giúp nhiều doanh nghiệp giảm bớt áp lực vào thời điểm đáo hạn, tuy nhiên tổng giá trị TPDN đáo hạn vẫn khá lớn khi uớc khoảng 200.000 tỷ đồng TPDN sẽ đáo hạn trong năm 2024 (tăng 4% so với năm trước) (đã trừ đi các khoản trái phiếu mua lại), trong đó nhóm BĐS và Ngân hàng chiếm 58% và 8%.
Từ ngày 23-27/3/2024, các CTCK đã diễn tập hệ thống KRX lần 2. Đại diện 1 số CTCK cho biết, hệ thống của các CTCK đáp ứng việc kết nối, vận hành KRX cả trong đợt kiểm tra việc chuyển đổi ngày 26/3 như yêu cầu của HOSE… Gần đây, thanh khoản toàn thị trường gia tăng, nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch sôi động, không ít cổ phiếu lớn quay lại khu vực đỉnh giá cũ, thậm chí lập đỉnh mới… Thị trường đang đi trước đón đầu với kỳ vọng nhiều thông tin tích cực hơn sẽ xuất hiện trong giai đoạn tới liên quan đến hệ thống KRX, nâng hạng TTCK, CSTT của các NHTW lớn trên thế giới dần chuyển sang nới lỏng…Giống như “sóng nâng hạng” ở mỗi giai đoạn thị trường có thêm thông tin tích cực, “sóng KXR” cũng được tạo ra khi nhà đầu tư kỳ vọng vào sự vận hành của hệ thống mới đang dần được hiện thực hóa. Thị trường đang kỳ vọng, sau đợt diễn tập hệ thống KRX lần 2 trong tuần qua, hệ thống này sẽ kiểm thử thành công trong tháng 5/2024 và sớm đi vào vận hành, tạo ra các hiệu ứng tích cực.
Thị trường hiện tại có thể phải chịu áp lực chốt lời ngắn hạn khi những kỳ vọng như định giá rẻ hay triển vọng phục hồi KQKD hầu hết đã được phản ánh, bức tranh lợi nhuận Q1/2024 dù sẽ tích cực hơn nhưng cũng khó để tạo động lực mới cho thị trường. Trong khi đó, câu chuyện về nâng hạng về thị trường đang đến gần nhưng không phải một sớm một chiều để có thể thúc đẩy thị trường bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong ngắn hạn. Điều mà nhà đầu tư có thể quan sát hiện tại là chỉ số đang gặp khó khi tiệm cận kháng cự 1300 điểm, mùa BCTC đang đến gần trong khi vẫn còn nhiều cổ phiếu chỉ hồi phục theo kỳ vọng mà chưa thực sự chuyển thành thực tế. Ngoài ra, áp lực tỷ giá tăng mạnh có thể dẫn đến việc nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng và có rủi ro khiến chính sách tiền tệ đảo chiều. Tuy nhiên, không thể phủ định đà hồi phục của nền kinh tế cũng như của TTCK trong giai đoạn 2024 - 2025. Với triển vọng dài hạn từ lợi nhuận tăng trưởng nâng hạng thị trường, thu hút dòng vốn mới, TTCK Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ trong trung - dài hạn cho các nhà đầu tư. Do đó, chiến lược đầu tư trong thời gian tới cũng cần cân nhắc kỹ doanh nghiệp nào đủ triển vọng để đầu tư cho các quý tiếp theo, đồng thời duy trì một tỷ trọng cân bằng trong danh mục để tránh áp lực tâm lý trước những diễn biến rung lắc của thị trường. Việc giải ngân mới nên được xem xét hạn chế cho đến khi xuất hiện những phiên giảm điểm đáng kể, đặc biệt đối với những nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh thời gian qua. Với danh mục đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, nhà đầu tư nên cân nhắc cơ cấu tinh gọn lại danh mục, giảm tỷ trọng nhằm bảo vệ thành quả và chuẩn bị sẵn sàng cho nhịp giải ngân mới khi mùa BCTC đến sẽ xuất hiện thêm các ý tưởng đầu tư mới.
==================================================================================
Anh chị đang quan tâm cổ phiếu nào hay tìm kiếm ý tưởng đầu tư mới có thể liên hệ trực tiếp Vinh để trao đổi thêm các góc nhìn đầu tư nhé!
Ngoài ra, để hỗ trợ tư vấn chi tiết hơn về danh mục đầu tư và đồng hành cùng em thì anh chị có thể đăng ký mở tài khoản FPTs do em quản lý và tư vấn tại link bên dưới:
Bấm vào đây để liên kết với link đăng ký mở tài khoản
Bấm vào đây để liên kết với link đăng ký dịch vụ tư vấn đầu tư
CẢM ƠN ANH CHỊ ĐÃ ĐỒNG HÀNH