Phân tích cổ phiếu HSG năm 2023 - Giai đoạn khó khăn nhất đã qua Đăng ngày: 05-03-2023 Lượt xem: 1061
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen
HSG - HOSE
1. Cập nhật kết quả kinh doanh
HSG công bố KQKD Q1/2023 với mức lỗ ròng là 680 tỷ đồng (năm tài chính của HSG bắt đầu từ ngày 1/10 và kết thúc vào ngày 30/9), với khoản lỗ thuần 680 tỷ đồng (so với lợi nhuận thuần 638 tỷ đồng trong Q1/2022) do doanh thu thuần giảm 53,2% so với cùng kỳ xuống 7,917 tỷ đồng. Tuy nhiên, lỗ ròng đã giảm xuống 680 tỷ đồng so với lỗ ròng 887 tỷ đồng trong Q4/2022, nhờ tỷ suất lợi nhuận gộp trở lại mức dương 2% so với âm 2,9% trong Q4/2022.
Kết thúc niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen đạt tổng doanh thu hơn 49,700 tỷ đồng, vượt kế hoạch, tuy nhiên LNST chỉ đạt 251 tỷ đồng, tương đương 17% mục tiêu 1,500 tỷ đã đề ra. Tuy nhiên, Hoa Sen đánh giá trong giai đoạn thị trường khó khăn như hiện tại, việc Tập đoàn ghi nhận được lợi nhuận và tăng trưởng về doanh thu là tín hiệu tương đối khả quan.
2. Triển vọng kinh doanh
a. Thị trường trong nước
Sản lượng tiêu thụ nội địa dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục. Thị trường bất động sản kỳ vọng tiếp tục giai đoạn sụt giảm trong bối cảnh cả pháp lý và tín dụng đều tiêu cực, dẫn đến các hoạt động đầu tư xây dựng mới bị đình trệ, chậm tiến độ… Tuy nhiên, hoạt động xây dựng đầu tư công có thể sẽ bù đắp một phần cho sự sa sút của thị trường bất động sản.
Nhu cầu yếu có thể khiến doanh nghiệp thép gặp áp lực khi chi phí đầu vào tăng cao: Giá HRC phục hồi có thể giúp cải thiện lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp thép. Tuy nhiên, nhu cầu suy yếu đang khiến các công ty gặp khó khăn hơn trong việc chuyển toàn bộ phần tăng chi phí đầu vào vào giá bán, đặc biệt là ở thị trường nội địa. Kể từ khi chạm đáy vào tháng 11, giá tôn mạ trung bình đã phục hồi khoảng 10% trong 3 tháng qua - thấp hơn mức phục hồi khoảng 25%-30% của giá HRC.
Giá HRC đã hồi phục trong 3 tháng qua
b. Thị trường xuất khẩu
Sản lượng tiêu thụ có thể giảm trong năm 2023 do xuất khẩu giảm: Trong tháng 1/2023, tổng lượng tiêu thụ thép dẹt thành phẩm giảm 28% so với cùng kỳ. Trong khi sản lượng tiêu thụ nội địa giảm 5% do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thì kênh xuất khẩu cũng sụt giảm đáng kể -50% so với cùng kỳ. Trong khi mức tiêu thụ nội địa được phân bổ đồng đều trong năm trước, thì kênh xuất khẩu trong nửa đầu năm 2022 có mức nền cao (với sản lượng tiêu thụ cao hơn 57% so với nửa cuối năm 2022) do gián đoạn nguồn cung do xung đột giữa Nga - Ukraine và tác động tiêu cực từ nhu cầu thế giới vào cuối năm.
Tình hình sản xuất thép thô năm 2019 - 2022 (Đơn vị: Tấn. Nguồn VSA)
Trong ngắn hạn, sản lượng xuất khẩu có thể cải thiện nhờ nhu cầu từ một số thị trường xuất khẩu như Mỹ tăng lên, do chênh lệch giá giữa các nước phát triển và thị trường Trung Quốc mở rộng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, với mức nền cao được thiết lập trong năm trước, kỳ vọng tổng sản lượng xuất khẩu tôn mạ kẽm và thép ống sẽ giảm hơn 10% so với cùng kỳ, trong khi nhu cầu nội địa dự kiến sẽ khá ổn định. Dự báo tổng nhu cầu sẽ giảm dưới 10% trong năm 2023.
=> Xuất khẩu thép năm 2023 vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Bên cạnh đó, cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành.
Cập nhật thêm dự báo ngành thép năm 2023 Tại đây
c. Giá thép trong nước
Theo VSA, kể từ cuối quý I/2022, sức ép nhu cầu tiêu thụ yếu và chậm của thị trường nội địa đã khiến giá thép xây dựng nội địa tiếp tục điều chỉnh giảm. Bên cạnh đó, diễn biến đi xuống của giá nguyên liệu đầu vào cũng là một trong những yếu tố để các nhà sản xuất điều chỉnh giá bán thép xây dựng.
Sự phục hồi của nhu cầu bị cản trở bởi áp lực từ diễn biến tăng lãi suất, các ngân hàng siết chặt tín dụng, thị trường bất động sản khó khăn kéo dài, tâm lý thận trọng của khách hàng trước các dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu. Cuối quý IV, thị trường trong nước có những điểm sáng tích cực, xu hướng điều chỉnh tăng giá bán thép trong nước.
Bước sang đầu năm 2023, dư báo giá thép xây dựng nội địa tiếp tục phục hồi theo xu hướng chung của thế giới tiếp theo xu thế điều chỉnh của tháng 12/2022. Giá thép xây dựng tại thị trường thế giới tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Giá nguyên liệu sản xuất và giá bán thép xây dựng năm tính đến tháng 1/2023 (Nguồn VSA ).
Sang tháng 1/2023, tốc độ tăng giá bình quân thép xây dựng tại thị trường nội địa Việt Nam ở mức 1,6% so với giá bình quân tháng 12/2022, tỷ lệ này tiếp tục thấp hơn so với thế giới và khu vực, đơn cử như giá bình quân thép cây nhập khẩu vào Đông Nam Á cùng thời điểm so sánh đã tăng 6% so với tháng 12/2022.
Thị trường đang ấm dần lên, đặc biệt là giá phế và giá phôi tăng sớm một nhịp trước khi giá thép thành phẩm tăng. Các nhà máy xem xét điều chỉnh một phần giá bán thép, đặc biệt là thép cây với mác CB4, CB5…đặc biệt trước quyết định nới lỏng chính sách zero-Covid.
d. Mảng kinh doanh nhựa
Đối với mảng sản xuất kinh doanh nhựa, Công ty tiếp tục củng cố hiệu quả sản xuất kinh doanh của CTCP Nhựa Hoa Sen, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc IPO vào một thời gian phù hợp, dự kiến thời gian sẽ là từ năm 2024 đến năm 2026 nếu tình hình kinh tế thuận lợi.
Mảng nhựa tăng trưởng tích cực song không đáng kể. Giá hạt nhựa PVC duy trì ở mức thấp tạo điều kiện cho mảng nhựa tăng trưởng. Song mức đóng góp là chưa đáng kể so với mức sụt giảm của mảng tôn.
e. Mảng phân phối VLXD và nội thất
Đối với mảng kinh doanh phân phối vật liệu xây dựng và nội thất, Công ty tiếp tục mở rộng, củng cố hiệu quả kinh doanh của hệ thống Hoa Sen Home. Đồng thời, nghiên cứu, chuẩn bị nguồn lực, điều kiện cần thiết để thành lập CTCP Phân phối VLXD – Nội thất Hoa Sen (CTCP Hoa Sen Home) và tổ chức chuyển giao mảng phân phối VLXD cho CTCP Hoa Sen Home vào một thời điểm phù hợp, dự kiến năm 2024-2026. Đây là một chiến lược mới với thách thức lớn như biên lợi nhuận sẽ bị thu hẹp, tuy nhiên sự phụ thuộc vào giá nguyên liệu sẽ được giảm bớt, tuy vậy vẫn cần thời gian để kiểm chứng đối với chiến lược này.
f. Tỷ lệ nợ giảm do cắt giảm hàng tồn kho
Hàng tồn kho của HSG trong quý giảm 1,5 nghìn tỷ đồng xuống còn 6,6 nghìn tỷ đồng, tương ứng với vòng quay hàng tồn kho là 78. Hàng tồn kho giảm giúp HSG giảm được 1,5 nghìn tỷ đồng nợ vay xuống còn 2,7 nghìn tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ nợ vay ròng/VCSH là 0,2x.
3. Kết hoạch kinh doanh năm 2023
HSG gần đây đã công bố kế hoạch niên độ tài chính 2023 theo hai kịch bản, theo đó kế hoạch lợi nhuận ròng được đặt ở mức 100 tỷ đồng (-60% so với cùng kỳ) hoặc 300 tỷ đồng (+20% so với cùng kỳ) tùy thuộc vào sản lượng tiêu thụ đạt 1,52 triệu tấn (-16% so với cùng kỳ) hay 1,63 triệu tấn (-10% so với cùng kỳ).
Nguồn: Văn kiện ĐHĐCĐ 2022 - 2023 CTCP Tập đoàn Hoa Sen
4. Định giá và khuyến nghị
HSG đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và có thể sẽ ghi nhận lãi trong thời gian tới. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi có thể vẫn chậm do nhu cầu yếu bởi thị trường trong nước và xuất khẩu có thể ảnh hưởng đến ROE năm 2023. Đối với mảng nhựa và VLXD chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ và trong ngắn hạn chưa có triển vọng gì lớn. Do đó, hai mảng này kỳ vọng có thể giúp gia tăng doanh thu cho HSG trong dài hạn.
Mặc dù giá thép phục hồi có thể tác động tích cực đến hàng tồn kho của công ty trong Q1/2023, giá cổ phiếu đã hồi phục đáng kể so với mức kỳ vọng hiện tại, trong ngắn hạn có thể đối mặt với áp lực chốt lời mạnh sau đợt tăng giá vừa rồi do lợi nhuận 6 tháng đầu năm vẫn có thể chịu mức tăng trưởng âm nhiều so với cùng kỳ trong bối cảnh lực cầu vẫn còn yếu.