Kịch bản đảo chiều chính sách khi nền kinh tế đang dần hồi phục Đăng ngày: 12-08-2024 Lượt xem: 225
PMI, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) và xuất khẩu đều hồi phục tích cực cho thấy quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam vốn dựa nhiều vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu đang tiến triển thuận lợi,.. Nhìn chung, các chỉ số dẫn dắt đều cho thấy quá trình hồi phục của nền kinh tế đang diễn ra khá thuận lợi và được kỳ vọng sẽ phản ánh trong các chỉ số xác nhận như GDP hay tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong Q.III và cả năm 2024.
Ở chỉ tiêu điều hành còn lại là lạm phát, xu hướng diễn ra không quá tích cực. Mặc dù lạm phát các tháng gần đây vẫn trong tầm kiểm soát nhưng áp lực vẫn hiện hữu khi CPI đang tiến sát đến lạm phát mục tiêu của Quốc hội. Bình quân 7 tháng đầu năm, CPI tăng 4,12%. Lạm phát cao ở chi phí sản xuất sẽ bào mòn thành quả hồi phục sản xuất của DN, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng hồi phục nói chung của nền kinh tế. Nền kinh tế đang dần quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong khi áp lực về lạm phát vẫn hiện hữu.
Từ đó, khả năng về 1 kịch bản đảo chiều chính sách điều hành có thể diễn ra. Cụ thể, khi nền kinh tế đã đạt được trạng thái bình thường, các chính sách kích thích kinh tế sẽ được giảm bớt để tránh kích thích nền kinh tế tăng trưởng nóng. Theo đó, chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ kết thúc giai đoạn nới lỏng như đã chứng kiến trong khoảng 2 năm trở lại đây, đồng nghĩa với quá trình tăng lãi suất điều hành và kết thúc các đợt giảm thuế, phí. Đây là vấn đề mà DN cần lưu ý trong quá trình chuẩn bị kế hoạch sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2024 và trong 2025, bao gồm các kịch bản kinh doanh cho trường hợp các chính sách hỗ trợ thuế, phí dừng lại, kế hoạch tài chính trong bối cảnh mặt bằng lãi suất sẽ tăng trở lại.