[Cập nhật vĩ mô – T12/2023] Xuất khẩu có điểm sáng, Cầu tiêu dùng trong nước hồi phục chậm

[Cập nhật vĩ mô – T12/2023] Xuất khẩu có điểm sáng, Cầu tiêu dùng trong nước hồi phục chậm

[Cập nhật vĩ mô – T12/2023] Xuất khẩu có điểm sáng, Cầu tiêu dùng trong nước hồi phục chậm

[Cập nhật vĩ mô – T12/2023] Xuất khẩu có điểm sáng, Cầu tiêu dùng trong nước hồi phục chậm

[Cập nhật vĩ mô – T12/2023] Xuất khẩu có điểm sáng, Cầu tiêu dùng trong nước hồi phục chậm
Banner Quảng cáo uCustom

[Cập nhật vĩ mô – T12/2023] Xuất khẩu có điểm sáng, Cầu tiêu dùng trong nước hồi phục chậm

Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố số liệu kinh tế vĩ mô T12-2023 với một số điểm chính như sau:

- Tăng trưởng GDP Q4-2023 đã tích cực hơn, đạt mức +6,72% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 quý gần đây và đóng góp chủ yếu bởi sự hồi phục của khu vực Công nghiệp và xây dựng (+7,35%). Trong khi đó, tăng trưởng khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm tốc và khu vực Dịch vụ gần như đi ngang.

Tính chung cả năm 2023, GDP của Việt Nam ước tính tăng tăng +5,05% so với 2022, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (+6,5%). Về sử dụng GDP năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng +3,52% YoY, đóng góp 41,04% vào tốc độ tăng trưởng chung; tích lũy tài sản tăng 4,09%, đóng góp 26,64%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,33%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 32,32%.

- Lạm phát duy trì ở mức cao: CPI tháng 12/2023 tăng +3,58% so với cùng kỳ do ảnh hưởng từ (i) tăng học phí trường công lập ở một số tỉnh thành, (ii) tăng giá dịch vụ y tế và (iii) tăng giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê. Trong khi đó, chỉ số giá tăng thấp ở nhiều nhóm hàng bao gồm Hàng ăn & Dịch vụ ăn uống, Thiết bị và đồ dùng gia đình, Giao thông. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng +3,25%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (4%).

- Tiêu dùng vẫn chưa thực sự cải thiện khi Tổng mức bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tháng 12 tăng +9,3% YoY, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 10,1% của tháng 11 trước đó.

- Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp đà hồi phục với chỉ số IIP tháng 12 tăng +7,61% so với cùng kỳ, nhưng tăng thấp so với tháng 11 (+0,89%). Tăng trưởng được ghi nhận ở nhiều ngành, bao gồm Sản xuất chế biến Thực phẩm, Dệt may, Gỗ, Hóa chất, Dược phẩm, Cao su. Ngược lại, Khai khoáng và Đồ uống tiếp tục giảm so với cùng kỳ.

- Xuất nhập khẩu có một số điểm sáng: Xuất khẩu tháng 12/2023 tăng +13,4% YoY, đạt 32,9 tỷ USD, trong khi nhập khẩu đạt 30,63 tỷ USD (+12,23% YoY). Đây là giá trị xuất-nhập khẩu theo tháng cao nhất kể từ tháng 9/2023. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư 2,28 tỷ USD trong tháng 12/2023. Một số mặt hàng xuất khẩu có tăng trưởng cao bao gồm Điện thoại và linh kiện (+19%); Điện tử, máy tính và linh kiện (+51%); Xơ sợi (+128%), Gạo (+118%). Đáng chú ý, Xuất khẩu Thủy sản ghi nhận tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp. Tính chung cả năm 2023, do hoạt động giao thương kém tích cực trong các tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam giảm -4,26% trong khi nhập khẩu giảm -8,75%. Cán cân thương mại thặng dư 28 tỷ USD, mức cao nhất lịch sử, trong đó khối FDI thặng dư 49,74 tỷ USD và DN trong nước thâm hụt 21,7 tỷ USD.

- Giải ngân vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 77,4 nghìn tỷ đồng, tăng +17,3% YoY và +11,9% MoM. Lũy kế 12 tháng năm 2023, giải ngân vốn NSNN đạt 625,3 nghìn tỷ đồng, tăng +21,2% YoY và hoàn thành 85,3% kế hoạch cả năm.

- Vốn FDI đăng ký trong tháng 12 tăng đột biến (+244% YoY), đạt 5,2 tỷ USD. Xét theo ngành, Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn FDI, chiếm tỷ trọng gần 50%, nhưng mức tăng đột biến này đến từ dòng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực BĐS chiếm 1,8 tỷ USD (+582%), Tiện ích (Điện, khí, nước…) hơn 2,2 tỷ USD (so với 2,1 triệu USD cùng kỳ). Về giải ngân, hơn 2,9 tỷ USD vốn FDI được giải ngân trong tháng 12/2023, tăng 8% YoY và 30,4% MoM. Lũy kế 12 tháng 2023, vốn FDI đăng ký và giải ngân đạt lần lượt 28,1 tỷ USD (+24,4%) và 23,2 tỷ USD (+3,5%).

- Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng cao: Lượng khách quốc tế đạt 1,37 triệu lượt, tăng +11,2% so với tháng trước và tương đương 83,4% mức bình quân trước dịch Covid-19.

 

Nguồn: Fiintrade