[Cập nhật vĩ mô – T10/2023]: Hoạt động sản xuất tiếp đà hồi phục, cầu tiêu dùng vẫn ở mức thấp Đăng ngày: 30-10-2023 Lượt xem: 233
Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố số liệu kinh tế vĩ mô T10-2023 với một số điểm chính như sau:
Mối lo lạm phát tạm dịu bớt: CPI tháng 10/2023 tăng +3,59% so với cùng kỳ năm ngoái và +0,08% so với tháng 9/2023. Đóng góp chính vào mức tăng CPI chung là nhóm Nhà ở và Vật liệu xây dựng, Giáo dục, Lương thực. Tốc độ tăng của CPI có dấu hiệu chững lại trong tháng 10/2023 cho thấy áp lực lạm phát có dấu hiệu dịu bớt, nhưng biến động mạnh ở nhóm Lương thực (chủ yếu do mặt hàng lúa gạo) là yếu tố cần lưu ý trong thời gian tới bởi đây là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ CPI. Dưới góc độ đầu tư, Nhà ở & VLXD và Lương thực là hai ngành có tiềm năng với chỉ số giá tăng mạnh hơn so với mặt bằng chung, mang lại cơ hội cải thiện về biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong ngành.
Cầu tiêu dùng nội địa hồi phục rất chậm: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng +7% YoY và +1,5% MoM. Cụ thể, tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa duy trì xu hướng giảm tốc trong khi doanh thu tăng tốc trở lại ở dịch vụ lữ hành và nhích nhẹ ở dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Sản xuất trong nước tiếp tục xu hướng hồi phục tích cực: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tăng +4,08% YoY và +5,51% MoM. Đây là mức tăng trưởng so với cùng kỳ cao nhất trong 8 tháng gần đây, dẫn dắt bởi lĩnh vực Công nghiệp chế biến và chế tạo trong khi lĩnh vực Khai khoáng tiếp tục xu hướng suy giảm. Trong lĩnh vực Công nghiệp chế biến và chế tạo, nhóm TĂNG TỐC bao gồm Chế biến thực phẩm, Dệt, May mặc, Cao su, Kim loại; nhóm GIẢM TỐC bao gồm Thuốc lá, Giấy, Điện tử-Máy vi tính-sản phẩm quang học, Xe có động cơ; và nhóm SUY GIẢM bao gồm Đồ uống, Gỗ, Dược phẩm, Thiết bị Điện. Sự hồi phục về hoạt động sản xuất trong nước đồng nghĩa với khả năng dòng tiền sẽ rút ra khỏi các kênh đầu cơ và quay trở lại kênh sản xuất.
Xuất nhập khẩu duy trì đà tăng, đặc biệt ở khối doanh nghiệp trong nước: Kim ngạch xuất và nhập khẩu tăng lần lượt +5,9% và +5,2% YoY trong tháng 10/2023. Đây là tháng tăng trưởng thứ 2 liên tiếp sau 10 tháng suy giảm trước đó. Đáng chú ý, khối doanh nghiệp nội ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn khu vực FDI cả về xuất và nhập khẩu. Lũy kế 10T2023, Việt Nam xuất siêu 24,6 tỷ USD, trong đó khối DN nội thâm hụt 18 tỷ USD và khối FDI thặng dư 42,6 tỷ USD. Về xuất khẩu trong tháng 10/2023, nhóm tăng trưởng cao so với cùng kỳ bao gồm Điện tử-Máy tính-Linh kiện, Máy móc thiết bị, Phương tiện vận tải, Máy ảnh-quay phim, Nông sản (Rau quả, Gạo, Hạt điều), Sắn, Xơ sợi, Chất dẻo trong khi Xuất khẩu Điện thoại, Dệt may, Thủy sản, Gỗ, Cao su, Hóa chất giảm. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu Điện tử, máy tính và linh kiện, Vải, Sắt thép, Xăng dầu, Thức ăn gia súc, Phân bón tăng. Xu hướng tăng về nhập khẩu là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu trong thời gian tới nhưng có thể khiến áp lực tỷ giá tăng lên.
Giải ngân vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 65,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 10/2023, tăng +23% YoY và +5,7% MoM. Lũy kế 10 tháng, vốn đầu tư NSNN đạt 479,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% YoY và hoàn thành 63% kế hoạch năm 2023.
Đột biến về dòng vốn FDI (đăng ký), chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo: Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 10/2023 đạt 5,2 tỷ USD, tăng +64% YoY và 164,9% MoM. Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tới 92,2% tổng giá trị vốn FDI đăng ký trong tháng 10, tương đương hơn 4,8 tỷ USD. Các dự án nổi bật bao gồm Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko solar Hải Hà Việt Nam (đăng ký mới 1,5 tỷ USD), Nhà máy Lite-on Quảng Ninh (đăng ký mới 690 triệu USD), dự án nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance (đăng ký mới 500 triệu USD) và dự án LG Innotek Hải Phòng (tăng vốn thêm 1 tỷ USD).
Lượng khách quốc tế chưa hồi phục về mức trước COVID: Lượng khách quốc tế đạt hơn 1,1 triệu lượt, tăng nhẹ +5,5% so với tháng trước và tương đương 68% mức bình quân trước dịch Covid-19.