[Cập nhật vĩ mô - Quý 2/2023]: GDP tăng +4,14% YoY nhờ tăng giải ngân vốn đầu tư công và thặng dư thương mại lớn Đăng ngày: 30-06-2023 Lượt xem: 282
Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu kinh tế vĩ mô Q2-2023 với những điểm nhấn chính đáng chú ý:
GDP Q2-2023 ước tăng +4,14% so với cùng kỳ năm trước, được hỗ trợ bởi tăng trưởng của cả 3 khu vực kinh tế, cụ thể Nông-lâm nghiệp và thủy sản +3,3% và Dịch vụ +6,1% trong khi khu vực Công nghiệp và xây dựng dần cải thiện với mức tăng 2,5% YoY (so với mức giảm -0,4% YoY trong quý 1 trước đó).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Q2-2023 tăng thấp so với cùng kỳ (+8,7%), đạt 1.520 nghìn tỷ đồng. Bán lẻ hàng hóa tiếp tục tăng thấp (+7,9% YoY) trong khi tăng trưởng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm tốc
Hoạt động sản xuất công nghiệp cải thiện nhẹ với chỉ số IIP toàn ngành tăng +0,15% YoY trong quý 2 (so với mức giảm -2,6% YoY trong quý 1). Riêng trong tháng 6/2023, chỉ số IIP toàn ngành tăng +2,8% YoY, mức tăng cao nhất trong 4 tháng gần đây, chủ yếu nhờ ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo (+2,9%) và Điện (+3%) trong khi chỉ số IIP ngành Khai khoáng tăng thấp hơn (+1,9% YoY). Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu (phần lớn là nguyên phụ liệu) tiếp tục giảm sâu trong tháng 6 và PMI ngành sản xuất Việt Nam duy trì dưới mức 50 điểm trong nhiều tháng gần đây cho thấy vẫn cần có thêm thời gian để các hoạt động sản xuất công nghiệp hồi phục.
Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục suy yếu, với kim ngạch xuất và nhập khẩu giảm lần lượt -14,2% và -22,3% YoY trong Q2-2023. Kim ngạch XK giảm mạnh ở các ngành hàng lớn (bao gồm Điện thoại và linh kiện, Dệt may, Sắt thép, Thủy sản) và duy trì tăng trưởng tốt ở một số ngành hàng nông sản như Rau củ, Hạt điều hay Gạo. Điểm đáng chú ý là Việt Nam vẫn ghi nhận thặng dư thương mại gần 7,4 tỷ USD trong quý 2 và lũy kế 6T2023 đạt 12,3 tỷ USD. Điều này làm tăng dự trữ ngoại hối và góp phần ổn định tỷ giá, qua đó giúp giữ chân và thu hút thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) cũng như gián tiếp (chứng khoán).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong Q2-2023 đã có tín hiệu tích cực hơn, tăng +5,5% YoY (so với mức tăng +3,6% quý 1) chủ yếu nhờ giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh (+22%). Trong khi đó, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân tăng +2,4% YoY, cải thiện nhẹ so với mức tăng +1,8% trong quý 1 nhưng vẫn rất thấp so với tăng trưởng bình quân +8,9% của năm 2022.
Riêng với vốn đầu tư nước ngoài, vốn FDI đăng ký T6/2023 giảm -7,6% YoY và 6T2023 giảm -19,9% YoY. Tính chung 6T2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 13,43 tỷ USD, giảm -4,3% YoY (so với mức giảm 5T2023 là -7,3% YoY). Vốn FDI giải ngân T6/2023 tăng +4,7% YoY và 6T2023 tăng nhẹ +0,5% YoY.
Lạm phát ở mức thấp do cầu yếu. CPI T6/2023 tăng +2% YoY, mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm 2022 chủ yếu do nhóm Giao thông giảm -11,9% YoY nhờ giá xăng dầu giảm. So với tháng trước, CPI tăng +0,3% MoM bởi nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng +0,6% MoM. Cần lưu ý rằng sự giảm tốc đáng kể về CPI sẽ tạo dư địa để chính phủ nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong các quý tới, nhưng lạm phát thấp do cầu yếu sẽ tác động tiêu cực lên nỗ lực này.
Như vậy, dưới góc độ tiêu dùng cuối cùng, tăng trưởng GDP trong quý 2-2023 chủ yếu được đóng góp bởi hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tích cực và thặng dư thương mại lớn.