[CẬP NHẬT] - CTCP TẬP ĐOÀN THÉP HÒA PHÁT HPG - CÚ HUÝCH TỪ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN DÂN DỤNG VÀ ĐẦU TƯ CÔNG Đăng ngày: 29-08-2024 Lượt xem: 80
- Ông trùm” thép Việt Nam và triển vọng dự án Dung Quất 2 vận hành đầu năm 2025
Trải qua chu kỳ “trầm lặng” của thị trường thép trong nước và thế giới, Hòa Phát vẫn giữ vững thị phần số 1 nội địa với lợi thế sở hữu “full” chuỗi giá trị ngành thép. Tính đến T5/2024, thị phần thép xây dựng của HPG đã đạt 38%. Bên cạnh đó, siêu dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 sẽ nâng tầm vị thế của Hòa Phát từ năm 2025, góp phần tăng sản lượng hơn 70% so với hiện tại.
Cập nhật tiến độ của Dự án Dung Quất: dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào Q4/2024 với công suất 2 triệu tấn thép HRC và đã hoàn thành 80%. Sản phẩm đầu tiên dự kiến ra thị trường vào Q1/2025. Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào Q3/2025 với công suất 3.6 triệu tấn thép HRC. Sau khi hoàn tất, tổng năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ vượt 14.5 triệu tấn/năm.
Dung Quất 2 là “cú đấm thép” khẳng định vị thế của doanh nghiệp trong dài hạn: vì HPG là doanh nghiệp Việt duy nhất sở hữu “full” chuỗi giá trị ngành thép, và có thể sản xuất ra thép chất lượng cao, sở hữu mạng lưới phân phối khắp cả nước và với lợi thế về cảng nước sâu Dung Quất, HPG có thể nhập nguyên liệu khối lượng lớn với giá rẻ hơn từ 3-5 USD/Tấn (trên tổng nhu cầu nguyên liệu nhập khẩu từ 10-15 triệu tấn/năm).
- Cú “huých” từ thị trường Bất động sản dân dụng
Thị trường Bất động sản dân dụng (chiếm 60% nhu cầu tiêu thụ thép) sẽ khởi sắc từ cuối năm 2024 nhờ: Các chính sách mới, gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ 1/8/2024, sẽ cải thiện pháp lý và thúc đẩy sự khởi sắc của thị trường Bất động sản. Bên cạnh đó, Mặt bằng lãi suất thấp từ năm 2023 hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế và thị trường Bất động sản. Trong Q2/2024, thị trường Bất động sản đã phục hồi mạnh mẽ với số lượng dự án và giá căn hộ tăng. Ngành Bất động sản đang dần hồi phục và dự kiến sẽ thúc đẩy ngành thép vào cuối năm. Tuy nhiên, các bộ luật mới cần khoảng 6 tháng để có tác động rõ rệt, dự kiến hồi phục mạnh vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
- Đầu tư công là điểm sáng cho ngành thép trong năm
Việc các dự án lớn đã xong đấu thầu và đang thi công sẽ thúc đẩy nhu cầu nguyên vật liệu cho ngành thép trong năm 2024. Tổng vốn đầu tư công năm 2024 là 669,264 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước. Đến hết tháng 7/2024, đã giải ngân 232,091 tỷ đồng (34.6% kế hoạch). Dự kiến tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ được đẩy nhanh trong 5 tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu
- Biên lợi nhuận cải thiện nhờ tận dụng chi phí đầu vào thấp
Biên lợi nhuận gộp của mảng thép sẽ tiếp tục được cải thiện từ mức 8.8% năm 2023 lên 13.5% năm 2024 và 15% năm 2025 nhờ:
(1) Giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục neo ở mức thấp: gíá than cốc, quặng sắt, thép phế tiếp tục điều chỉnh trong Q3/2024 do tình trạng dư thừa nguồn cung thép tại Trung Quốc làm giảm nhu cầu cho nguyên vật liệu, nguồn cung quặng sắt gia tăng tại Úc
(2) Mặc dù giá thép Trung Quốc đã giảm ~17.2%YTD, do sự “trì trệ” kéo dài của thị trường Bất động sản khiến lượng hàng tồn kho thép gia tăng, giá thép trong nước vẫn không giảm quá mạnh (-2.1% YTD). Giá thép Trung Quốc đang tiến vào giai đoạn đáy và sẽ không giảm đáng kể so với giá hiện tại bởi nếu giá tiếp tục điều chỉnh có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các nhà máy thép và khiến sản lượng thấp hơn trong những tháng tới. Do đó, kỳ vọng giá thép trong nước kỳ vọng phục hồi vào giai đoạn cuối năm 2024, đầu năm 2025.
- Khởi xướng áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu vào Việt Nam
Thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC và tôn mạ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc dự kiến ban hành vào tháng 10-11/2024 sẽ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm HRC của Hòa Phát. Sau khi Dung Quất 2 hoạt động vào đầu năm 2025, thị trường nội địa sẽ trở thành thị trường chính của Hòa Phát, và thuế CPBG sẽ giảm áp lực cạnh tranh từ thép nhập khẩu, hiện chiếm 60-70% tiêu thụ ngành.
=>> Qua đó, em đánh giá rằng HPG vẫn là doanh triển vọng trong thời gian tới nhờ lợi thế sở hữu "full" chuỗi giá trị ngành thép và mảng tiêu thụ dân dụng vẫn là đóng góp phần lớn cho doanh nghiệp khi mà thị trường bất động sản dân dụng đang dần khởi sắc nhờ chính sách tín dụng dần được thẩm thấu cùng với đó các thủ tục pháp lý đang được cải thiện. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân đầu tư công kỳ vọng bứt tốc trong nửa cuối năm 2024 sẽ là điểm sáng cho ngành thép góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép trong thời gian tới.