[Báo cáo Ngành] Trung tâm Dữ liệu: Sẵn sàng cho tăng trưởng vượt bậc trong dài hạn Đăng ngày: 19-04-2024 Lượt xem: 376
Trong báo cáo này sẽ cái nhìn tổng quan về thị trường trung tâm dữ liệu và các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Với vị trí địa lý trung tâm khá quan trọng tại Đông Nam Á, có thể đạt được đầu tư mở rộng vào cơ sở hạ tầng dữ liệu và điện toán đám mây một cách nhanh chóng, thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trong nước.
Các trung tâm dữ liệu đóng vai trò trụ cột cho cơ sở hạ tầng số hiện đại, là then chốt trong hệ sinh thái Internet. Trung tâm dữ liệu là một cơ sở tập trung, được trang bị để lưu trữ, xử lý và phân phối lượng dữ liệu khổng lồ, đảm bảo tính sẵn có, độ tin cậy và bảo mật cho các doanh nghiệp và tổ chức. Là trung tâm thần kinh của hệ thống Internet, các trung tâm dữ liệu cho phép truyền thông tin liền mạch, xử lý và lưu trữ các trang web và ứng dụng, hỗ trợ điện toán đám mây và các công nghệ mới nổi như Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet Vạn vật (IoT).
Các công nghệ mới nổi và việc hướng đến phát thải ròng bằng 0 đang định hình lại bức tranh toàn cảnh của ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu. Với những tiến bộ trong công nghệ như AI tạo sinh (generative AI), điện toán biên (edge computing) và đổi mới thúc đẩy IoT, các trung tâm dữ liệu biên và siêu quy mô đang phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sức mạnh tính toán, dung lượng lưu trữ và kết nối với độ trễ thấp. Ngoài ra, khi mối lo ngại về tính bền vững cho môi trường leo thang, các nhà vận hành trung tâm dữ liệu ngày càng tập trung vào việc giảm thiểu lượng khí thải carbon và áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo để đạt phát thải ròng bằng 0. Mục tiêu kép về đổi mới công nghệ đồng thời đảm bảo cho môi trường này đang thúc đẩy thay đổi mang tính chuyển đổi trong ngành trung tâm dữ liệu, mở ra một hệ sinh thái cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiệu quả, linh hoạt và bền vững hơn.
Ngành trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng vượt bậc. Theo công ty nghiên cứu thị trường Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam tăng trưởng 11% YoY trong năm 2023, với tổng giá trị thị trường đạt 620 triệu USD. Bất chấp tốc độ tăng trưởng này, tỷ lệ thâm nhập của trung tâm dữ liệu trên mỗi người dùng Internet ở Việt Nam vẫn tương đối thấp so với các thị trường mới nổi và phát triển khác, với số lượng trung tâm dữ liệu hiện tại ở Việt Nam chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, từ đó cho thấy dư địa dồi dào để phát triển, theo Savills. Các công ty trong nước, đặc biệt là FPT, Viettel, VNPT và CMC đang chiếm lĩnh thị trường trung tâm dữ liệu, trong khi các gã khổng lồ về điện toán đám mây tại nước ngoài như AWS, Microsoft và Google chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường đám mây, cho thấy sự kết hợp giữa cạnh tranh và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam.
Những cơ hội sáng giá trong ngành trung tâm dữ liệu được hỗ trợ bởi các ưu đãi của Chính phủ, nhưng vẫn tồn tại những thách thức về cơ sở hạ tầng cáp ngầm và cung cấp năng lượng bền vững. Các sáng kiến của chính phủ như phát triển cụm trung tâm dữ liệu quốc gia và khu vực, cũng như triển khai Kế hoạch Chuyển đổi số Quốc gia nhằm thúc đẩy kinh tế số, cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các công nghệ mới nổi như điện toán đám mây, AI và IoT. Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế về giá đất, xây dựng, chi phí điện và ưu đãi thuế để thu hút các nhà đầu tư, giảm đáng kể chi phí thiết lập và vận hành cho các trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, những thách thức như cáp ngầm không ổn định dẫn đến chi phí băng thông quốc tế cao hơn và các vấn đề về cung cấp năng lượng bền vững đặt ra những thách thức trong trung hạn. Bất chấp những thách thức này, Chính phủ đang tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng Internet, tìm hiểu các lựa chọn năng lượng tái tạo, thúc đẩy cơ sở hạ tầng CNTT xanh cũng như thị trường tín dụng carbon để giảm thiểu tác động đến môi trường và đảm bảo tăng trưởng bền vững trong ngành trung tâm dữ liệu.
==> FPT và CMG cung cấp khả năng tiếp cận các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Công ty con FPT Telecom của FPT là công ty dịch vụ viễn thông cố định lớn thứ ba tại Việt Nam. Ngoài các dịch vụ băng thông rộng chủ chốt, FPT Telecom còn cung cấp nhiều dịch vụ trung tâm dữ liệu và giá trị gia tăng với một trong những tài sản cơ sở hạ tầng lớn nhất do chính công ty sở hữu trong nước. Trong khi đó, công ty con CMC Telecom của CMC sở hữu 3 trung tâm dữ liệu, đóng góp khoảng 60% vào doanh thu của CMC Telecom trong năm 2023, theo CMC.
Nguồn: Vietcap